Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ – điểm nhấn du lịch ở Nghệ An

Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ là một công trình văn hóa lớn mang tầm cỡ quốc gia, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2000 và khánh thành vào ngày 18/5/2013 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 123  ngày sinh của Người.   

Từ ngày khánh thành đến nay đã trở thành điểm tham quan của đông đảo nhân dân và khách du lịch thập phương. Mỗi năm ước tính có trên 500.000 lượt khách du lịch đến tham quan quảng trường, chưa kể hàng triệu lượt người Vinh và phụ cận tối tối tới quảng trường vui chơi thư giãn.

Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh. Đến tham quan Quảng trường Hồ Chí Minh, du khách như được trải lòng vào một không gian mênh mông, cảnh sắc tươi đẹp, rực rỡ cờ, hoa và không khỏi bùi ngùi, xúc động khi được nghiêng mình trước tượng đài Bác Hồ, xao xuyến con tim khi được nghe câu hát “Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn, đứng nơi đây mà rộng mở tâm hồn” và như còn nghe ấm áp đâu đây lời nói của Người khi về thăm quê “Người ta đi lâu ngày về thăm quê thì mừng mừng, tủi tủi, còn tôi thì chỉ thấy mừng mừng… Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Quảng trường là điểm nhấn, là nét đẹp hài hòa với không gian, kiến trúc của quê hương xứ Nghệ. Tổng khuôn viên Quảng trường rộng gần 12ha, trong đó có các hạng mục chính: Lễ đài chính là nơi dặt tượng đài Bác Hồ, đường Hành lễ, sân Hành lễ, sân Bán nguyệt, còn phía sau tượng đài Bác Hồ là ngọn núi Chung mô phỏng.

Tượng đài Bác cao 18m, riêng phần tượng cao 12m, nhìn về hướng Đông Bắc, thuận theo ánh sáng tự nhiên để tôn thêm vẻ đẹp hoành tráng của tượng, phía trước là núi Hồng – sông Lam, xa nữa là biển Đông, cửa ngõ nhìn ra thế giới… Với bộ quần áo Kaki, chòm râu bạc, đôi dép cao su giản dị, dáng đi khoan thai, ung dung hình ảnh Bác toát lên tình cảm rất gần gũi với mọi người. Phía trước Lễ đài là đường hành lễ dùng để diễu binh, diễu hành và duyệt binh trong các ngày lễ lớn. Tiếp theo là hạng mục sân hành lễ, giữa sân hành lễ là 99 ô thảm cỏ, với kích thước 9,8m x 9,8m mỗi ô. Theo một số nhà chuyên môn, đường hành lễ phía trước tượng đài và những ô thảm cỏ tượng trưng cho dòng sông Lam và 99 ngọn núi Hồng Lĩnh điệp trùng, biểu tượng của quê hương xứ Nghệ. Con số 99 cũng là một hằng số văn hóa truyền thống của Phương Đông, tượng trưng cho sự hùng vĩ, trường tồn của công trình, của Bác Hồ kính yêu, những ô cỏ này tạo màu xanh tươi mát cho Quảng trường làm giảm đi sức nóng của mùa hè xứ Nghệ. Phía trước sân Hành lễ là sân bán nguyệt. Giữa sân Bán nguyệt là hồ Elip có đài phun nước nhạc màu, một công trình hiện đại được lắp đặt theo công nghệ ở Anh và Singapo. Đài phun n¬ước có 16 chương trình phun nghệ thuật  khác nhau, đó là sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, tạo nên sự rực rỡ, vui tươi, hoành tráng cho Quảng trường vào ban đêm.

Để Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền về điểm đến, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩm, ấn phẩm quảng bá du lịch. Đặc biệt, cần xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên giỏi, chuyên nghiệp. Thuyết minh viên là người trực tiếp tiếp cung cấp, truyền đạt những thông tin cho du khách, góp phần quảng bá, lôi cuốn, thu hút du khách cũng như giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hoá của công trình. Bố trí, sắp xếp lại các ki ốt trưng bày ấn phẩm, sản phẩm lưu niệm tại Quảng trường phù hợp hơn, mang tính đặc thù, hấp dẫn hơn (có thể làm các Ki ốt theo kiểu nhà tranh tại Kim Liên-Nam Đàn, hoặc nhà sàn dân tộc, hoặc bằng các chất liệu truyền thống, nên tránh bê tông hóa, tôn hóa…), bố trí “Bảo tàng ngoài trời” là những tác phẩm nghệ thuật, các bức tranh vẽ, tượng điêu khắc tiêu biểu, mang nét đặc trưng di sản văn hóa của Nghệ An.

Để lại một trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *